4 Phương án đường kết nối Bình Phước qua Đồng Nai

Hướng tuyến 4 phương án làm đường kết nối Bình Phước qua Đồng Nai. Đồ hoạ: Khánh Hoàng

Phương án được Viện Chiến lược và phát triển (đơn vị nghiên cứu) đưa ra tại cuộc họp ngày 22/4, có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, hai đầu cầu Bình Phước và Đồng Nai.

Buổi làm việc để tổng hợp ý kiến các bên sau chỉ đạo của Thủ tướng liên quan tỉnh Bình Phước đề xuất xây cầu Mã Đà và quy hoạch quốc lộ 13C đi qua Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nhằm kết nối sân bay Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đề xuất này nhiều năm qua bị chính quyền Đồng Nai phản đối do lo ngại phá vỡ cảnh quan khu sinh quyển thế giới.

Theo Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, hiện để Bình Phước kết nối các cảng biển và hàng không trong khu vực chỉ có cách đi qua quốc lộ 13 và 14. Hướng tuyến đường ĐT 753 từ TP Đồng Xoài qua Đồng Nai để kết nối quốc lộ 1 cần phải xây cầu Mã Đà và mở rộng đường tỉnh thành quốc lộ (dự kiến quốc lộ 13C). Tuy nhiên, hướng triển khai này cần được đánh giá kỹ nhằm đảm bảo yêu cầu quy hoạch, đặc biệt là về môi trường và bảo vệ cảnh quan, di tích lịch sử, di sản văn hóa. Viện đã đưa ra 4 phương án sau khi khảo sát, phân tích các dữ liệu.

Phương án một theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, là mở rộng ĐT 753, xây cầu Mã Đà kết nối Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên với quốc lộ 1 đi sân bay Long Thành, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, qua đánh giá sơ bộ, phương án này có 30 km đi qua vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, ảnh hưởng môi trường theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Di sản văn hóa; các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết.

Rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Nếu làm theo phương án này, tuyến đường dài 86 km, chi phí đầu tư dự kiến gần 2.200 tỷ đồng, vì phải xây các công trình cầu cạn, hầm chui cho động vật qua lại, hàng rào, tường chống ồn, chưa kể khả năng UNESCO không đồng thuận, khu bảo tồn có thể bị thu hồi chứng nhận khu dự trữ sinh quyển. Ngoài ra, thủ tục thực hiện rất phức tạp, quy mô không thể mở quá lớn do ảnh hưởng đến rừng nên sẽ ảnh hưởng khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải.

Phương án 2 theo đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, toàn tuyến dài 98 km, vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, chạy qua vùng đệm, vào đường vành đai 4, kết nối từ Bình Phước đến quốc lộ 1. Thời gian di chuyển của đường này nhanh do tận dụng tuyến vành đai 4, giảm tải cho các tuyến hiện hữu kết nối từ Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên về cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Ở phương án này, chiều dài đoạn xây dựng mới khoảng 37 km, tận dụng được 30 km đường ĐT 753 đã được đầu tư, ít ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển, chi phí xây dựng thấp hơn. Tuy nhiên theo Viện chiến lược, tuyến này chỉ đi qua Bình Dương, không kết nối trực tiếp tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Phương án 3 được Viện chiến lược và phát triển đưa ra, là làm đường qua vùng đệm, kết nối vào quốc lộ 1. Phương án toàn tuyến dài gần 100 km, phải xây mới 22 km, tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư. Tuy nhiên, đường kết nối với quốc lộ 1 có dân cư đông, nên khó mở rộng hoặc kinh phí đầu tư rất lớn, dự kiến chi phí khoảng 2.230 tỷ đồng. Tuyến này ảnh hưởng môi trường thấp hơn, có thể đáp ứng được các yêu cầu về môi trường.

Phương án cuối là xây đường qua vùng đệm quốc lộ 56B và kết nối quốc lộ 20. Toàn tuyến dài hơn 100 km, chi phi đầu tư dự kiến khoảng 2.230 tỷ đồng, cũng tận dụng được 30 km ĐT 753 đã đầu tư, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường và kết nối đến sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra ở Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Lực lượng kiểm lâm tuần tra ở Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Ảnh: Phước Tuấn

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Anh Minh, Phó chủ tịch UBND Bình Phước cho biết tỉnh có đường biên giáp Đồng Nai khoảng 161 km nhưng chưa có đường kết nối. Việc hình thành tuyến đường ĐT 753 rất quan trọng để đẩy mạnh giao thương của tỉnh và vùng Tây Nguyên với sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải.

"Cầu Mã Đà có từ thời chiến tranh, hiện đã sập nên cần khôi phục tuyến đường này. Đây là tuyến đường cũ hai bên là rừng trồng, giải pháp có thể đóng rào và xây cầu vượt cho thú đi qua lại...", ông Minh nói.

Trong khi đó, Đồng Nai phản đối phương án này vì cho rằng sẽ ảnh hưởng khu dự trữ sinh quyển thế giới mà chỉ đồng thuận phương án hai của đơn vị nghiên cứu. "Đây là phương án tối ưu nhất để kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải", lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến.

Trước đó, chính quyền Đồng Nai đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO tại Việt Nam cho ý kiến về việc làm quốc lộ xuyên qua khu dự trữ sinh quyển rộng trên 100.000 ha ở địa bàn. Đây là một trong rất ít khu sinh quyển trong nước được tổ chức UNESCO công nhận Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá lại để Bộ tổng hợp ý kiến, báo cáo Thủ tướng.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn